Doanh nghiệp xuất khẩu đối mặt khó khăn, thách thức

Những tháng gần đây, đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh, các doanh nghiệp trong tỉnh đã phải thu hẹp, sản xuất cầm chừng, thậm chí tạm ngừng sản xuất. Tìm giải pháp để ứng phó với khó khăn trong giai đoạn này là vấn đề quan tâm của các doanh nghiệp hiện nay. 

Sản xuất ván ghép tại Công ty CP Thành Phúc (KCN Đông Bắc Sông Cầu – Khu vực 1). Ảnh: Khang Anh

 

Ảnh hưởng tình hình chính trị thế giới bất ổn, lạm phát tăng cao, sức tiêu thụ tại thị trường các nước sụt giảm, nên hoạt động sản xuất, xuất khẩu đình trệ. Cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước, doanh nghiệp xuất khẩu một số mặt hàng như thủy sản, điều, may mặc, gỗ thành phẩm… của Phú Yên đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
 Đơn hàng xuất khẩu có xu hướng giảm 
Chuyên sản xuất mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang thị trường Mỹ, nhưng từ tháng 7/2022 đến nay, hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Thủy sản Hồng Ngọc (Khu công nghiệp Hòa Hiệp 1, TX Đông Hòa) gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Mạnh Cường, quản lý nhà máy sản xuất của công ty cho biết: Tình hình lạm phát tăng cao tại Mỹ, thị trường tiêu thụ chậm, số lượng đơn hàng đã giảm 60-70% so với thời điểm đầu năm nên nhà máy chỉ sản xuất cầm chừng để giữ khách hàng. Trừ những thời điểm ngừng sản xuất do không có đơn hàng thì thời gian còn lại, chúng tôi phải làm một số sản phẩm phụ để đáp ứng các đơn hàng nhỏ, tạo công ăn việc làm cho 78 lao động.
Theo ông Võ Thiện Phúc, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Tôm Vàng (Khu công nghiệp An Phú, TP Tuy Hòa), sản lượng xuất khẩu bình quân mỗi tháng sang thị trường Trung Quốc khoảng 150 tấn tôm thành phẩm. Đầu năm 2022, Trung Quốc đóng cửa không cho nhập khẩu, rồi mở cửa từ đầu tháng 6 đến cuối tháng 8, sau đó tiếp tục đóng cho đến nay, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu của công ty. “Khi hoạt động xuất khẩu ổn định, công ty có đến hơn 300 công nhân với mức thu nhập 9-11 triệu đồng/người/tháng, nhưng hiện tại chỉ còn khoảng 80 lao động và thu nhập mỗi tháng chỉ 5-6 triệu đồng/người. Số công nhân còn lại đã nghỉ việc vì không có việc làm, thu nhập thấp”, ông Phúc nói.
Tại Khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu (TX Sông Cầu), nhiều doanh nghiệp sản xuất gỗ thành phẩm cũng trong tình trạng đơn hàng bị cắt giảm. Chia sẻ về điều này, ông Trần Tôn Chính, Phó Giám đốc Công ty CP Thành Phúc cho biết: Châu Âu, Mỹ là 2 thị trường tiêu thụ sản phẩm ván ghép và bàn ghế gỗ ngoài trời của công ty. Những năm trước, kể cả 2 năm bùng phát COVID-19, hoạt động xuất khẩu sản phẩm gỗ của công ty vẫn diễn ra bình thường, sản lượng ổn định. Năm 2021, doanh thu đạt khoảng 2 triệu USD tương đương sản lượng 2.000m3 gỗ thành phẩm. Thế nhưng cho đến tháng 2 năm nay, sản lượng xuất khẩu của công ty đã giảm 70%. Do lạm phát, người dân châu Âu không chi tiền cho các mặt hàng không thiết yếu nên vẫn còn hàng tồn kho.
Xoay xở ứng phó
Để duy trì hoạt động, giữ chân lao động, các doanh nghiệp cố xoay xở, tìm cách làm phù hợp, thích ứng với những khó khăn đặt ra. Theo ông Võ Thiện Phúc, vì không xuất khẩu trực tiếp được nên Công ty CP Thủy sản Tôm Vàng đã ngưng sản xuất tôm và chuyển sang nhận gia công một số loại thủy sản khác cho doanh nghiệp trên địa bàn để công nhân có việc làm.
Ông Trần Tôn Chính chia sẻ thêm: Giá chi phí đầu vào, nguyên liệu tăng 10-15% nhưng công ty chỉ tăng giá sản phẩm 5% để giữ chân khách hàng dù chỉ với đơn hàng nhỏ. Giải pháp trước mắt là đơn hàng đến đâu, nhập nguyên liệu, sản xuất đến đó. Công ty đang nỗ lực duy trì việc làm ổn định cho 100 công nhân với mức thu nhập 5-8 triệu đồng/người/tháng và đảm bảo các chế độ chính sách theo quy định.
Cố cầm cự với hy vọng thị trường sẽ khởi sắc trong năm tới, các doanh nghiệp cũng mong muốn các ngành chức năng, chính quyền địa phương có những chính sách ưu đãi như thuế, lãi suất ngân hàng… để hỗ trợ doanh nghiệp. Bà Nguyễn Vũ Tố Quyên, Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên cho biết: Qua làm việc với các doanh nghiệp, ban quản lý đã nắm bắt thông tin, tình hình hoạt động sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại. Ngoài chia sẻ những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải, chúng tôi cũng động viên, mong các doanh nghiệp có kế hoạch ứng phó để sớm vượt qua, ổn định sản xuất, tạo việc làm, thu nhập cho lao động. Doanh nghiệp có thể tiết giảm chi phí sản xuất, tìm thêm khách hàng, mở rộng thị trường mới…
Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Sở Công Thương, UBND tỉnh đã có quyết định thành lập tổ công tác liên ngành hỗ trợ, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, xuất khẩu các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tổ công tác sẽ nắm bắt, tổng hợp tình hình sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp; rà soát chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu của tỉnh; phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Tổ cũng đang tiến hành phân công nhiệm vụ cho các thành viên; điều phối các hoạt động, triển khai biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Bộ Công Thương vừa đề nghị các đơn vị chức năng các tỉnh, thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp; tạo thuận lợi trong giải quyết thủ tục hành chính, thuế, thông quan… cho doanh nghiệp. Bộ đã và đang tìm những giải pháp hỗ trợ thị trường nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường quản lý nhập khẩu phù hợp, bảo đảm cán cân thương mại hài hòa, bền vững. Theo đó, cơ quan chức năng sẽ tập trung hướng dẫn doanh nghiệp chuyển tiếp cận thị trường sang các nước châu Á, nơi ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào thị trường truyền thống.

Khang Anh
Nguồn: baophuyen.vn
Trần Thị Đăng Thục (ST)